Xếp thứ hai trong bảng thứ hạng những kỹ năng khó nhằn nhất, kỹ năng nghe (listening) mang tính sát thương cực kỳ cao, “gây hoang mang cực độ” cho hầu hết người học ngoại ngữ nói chung. Trong nhiều trường hợp dở khóc dở cười được kể lại, có người thậm chí luyện nghe muốn mòn cả tai, đến lúc đứng nói chuyện nói chuyện với người nước ngoài lại không được quá ba câu. Vậy mới nói, mọi vấn đề cần tìm được cách giải quyết, không những đúng, mà còn phải phù hợp. Luyện nghe cũng vậy, có người luyện kiểu này có hiệu quả, người khác thì lại không. Và hôm nay, VnEdu Tra cứu điểm sẽ chỉ bạn vài cách mà chúng mình đúc rút từ “kinh nghiệm xương máu”, và trộm vía là đã có hiệu nghiệm.
Bài thuốc cổ truyền: Nghe chép chính tả
Đây chắc hẳn đã trở thành một phương pháp luyện nghe quốc dân khi được truyền miệng từ người này sang người khác trong nhiều năm gần đây. Mình cũng từng áp dụng phương pháp này, và nhận ra một vấn đề, đó là dễ nản. Tất nhiên là với những từ vựng mà chúng ta không biết thì rất khó có thể hình dung, nghe ra và hiểu được nó. Ngồi nghe chép được vài ba lần, mình bắt đầu thấy nản, rồi bỏ cái phương pháp này luôn. Cho đến khi mình được tiếp cận một phiên bản mới của phương pháp này.
Mình nhận ra là học từ vựng để nghe hiểu được, mà học nghe thì cũng sẽ có từ vựng mới mình có thể tiếp thu, nó cứ tiếp diễn như một vòng luẩn quẩn. Vậy nên, lời khuyên dành cho chúng mình là:
- Chọn bài nghe hợp với trình độ
Cái gì lố lăng quá thì thường dễ bị ngợp. Cũng giống như sức ăn của một đứa trẻ ba tuổi thì thường không bằng được so với sức ăn của một người trưởng thành, nên mọi thứ đều cần quá trình, không nên đốt cháy giai đoạn. Trước hết, bạn có thể tự xác định trình độ của bản thân bằng cách làm các bài test thử trực tuyến tại một số trang web uy tín, ví dụ như Cambridge. Sau đó thì bạn có thể thực hiện tìm kiếm trên các nền tảng xã hội như Google, Youtube, hay thậm chí cả Facebook, với cụm từ khóa “luyện nghe theo trình độ”.
- Liệt kê từ mới trước khi nghe
Vì đang trong quá ôn luyện, nên bạn đừng quá áp lực và khắt khe với bản thân quá. Hãy tìm những bài nghe có cung cấp script, sau đó đọc và liệt kê ra những từ vựng mà mình chưa hiểu. Dùng từ điển để biết chính xác nghĩa của từ, loại từ, thường được dùng trong bối cảnh nào, ghi chép ra sách vở.
Và bước cuối cùng, là nghe, và chép lại script. Những từ nào chưa nghe được, hãy tạm cách ra một khoảng trống và tiếp tục cho đến hết bài. Sau khi nghe xong, hãy mở script ra và soát lại một lần với bản chép tay của bạn. Sửa lỗi bằng bút màu, lưu ý những từ mình chưa nghe được (mình có biết từ này không? Tại sao mình không nghe ra đoạn này? Do đây là từ mới, hay do kỹ thuật nuốt âm, nối âm? Do họ phát âm từ này khác với cách mà mình thường phát âm?…) và ghi lại cẩn thận lý do, chú ý hơn cho những lần sau.
Hãy nghe lại thêm một lần nữa, và cố gắng “nhại” theo bản ghi một cách giống nhất, về cách phát âm, cách thả câu, cách nhấn nhá,…
Nghe cách phát âm mỗi khi học từ mới
Mình thường hay học từ vựng theo kiểu truyền thống. Kiểu mà mỗi lần bắt gặp từ mới là ghi chép lại vào vở, dùng từ điển để dịch nghĩa, sau đó tiện thể ghi lại luôn phiên âm của nó, và nghe luôn cách phát âm. Hai loại từ điển mình thường dùng để học từ vựng trong tiếng Anh mà có cung cấp âm thanh của từ là từ điển Cambridge (Anh – Anh) và từ điển TFlat (Anh – Việt).
Thói quen này thì vừa giúp mình cải thiện kỹ năng nghe, vừa cải thiện kỹ năng nói. Bởi vì trong tiếng Anh hay bất kỳ thứ ngôn ngữ nào khác, luôn có những từ có sự tương đồng trong cách phát âm, ví dụ như cặp từ kinh điểm ship – sheep. Và nó luôn là thứ mà dễ làm mình mất điểm nhất, nên trước khi nghe cả bài, hãy cố gắng nghe đúng từng từ đơn một.
Xem phim, nghe nhạc có phụ đề
Khác với hai phương pháp trên, đây là một phương pháp bị động, kiểu vừa học vừa chill. Nguyên lý của cái phương pháp này thì mình không có hiểu lắm, vì đây chỉ là những gì mình quan sát và nhận thấy được. Nhưng nhìn chung thì những thứ có tiết tấu thường dễ đi sâu vào trong tiềm thức của chúng ta hơn. Thay vì nghe những đoạn hội thoại được thu âm bằng một giọng cứng ngắc, xem một đoạn đối thoại trên phim, hay feeling theo một giai điệu nhạc nào đấy thì sẽ đỡ nhàm chán hơn rất nhiều. Có khi vào những khúc cao hứng, giai đoạn cao trào, bạn còn “bắt chước” theo thoại không chừng (phương pháp shadowing).
Như chúng mình đã nói thì mỗi người phù hợp với một phương pháp học khác nhau, nên sau khi áp dụng những chia sẻ này của chúng mình mà vẫn không có sự cải thiện tích cực thì cũng chớ vội nản lòng nhé. Vì trước khi phát minh ra bóng đèn, Edison đã thất bại cả nghìn lần cơ mà? Hãy cứ bình tĩnh, tự tin, và nếu thử mọi cách trên mạng đều không có hiệu quả, tại sao bạn không thử tự tìm ra vấn đề của chính mình và suy nghĩ cách giải quyết nhỉ? Chúc các bạn học tập tốt!