Các bạn theo ban Tự Nhiên đừng vì thấy tiêu đề mà vội bỏ qua bài viết nhé, vì dù ở ban nào đi chăng nữa thì bạn cũng nhất định phải học môn học này. Không học được nhiều thì cũng phải biết được ít. Bởi trong bài thơ Lịch sử nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng viết:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Hồi còn là học sinh, mình học Sử điên cuồng. Tất nhiên, điểm thi chỉ là một phần. Một phần khác, là để biết ơn, để thấy được bản thân mình may mắn được sống trong thời bình như hôm nay thì trong quá khứ đẫm máu ấy, cha ông chúng ta đã phải trải qua những gì. Và phần còn lại, là để cái đầu mình không sáo rỗng, để cái tinh thần yêu nước của mình nó có căn cứ, để mà lúc có một đứa ất ơ nào đấy xuyên tạc lịch sử, mình sẵn sàng nhảy vào combat dựa trên tinh thần nói có sách mách có chứng.
Học như thế nào?
Phương pháp học thì có nhiều, môn nào cũng thế. Nên trước khi tìm được phương pháp phù hợp với chính bản thân mình, bạn cần xác định được những mục tiêu mà mình cần đạt được. Nhưng mục tiêu thì cũng lại có nhiều kiểu. Nếu như đi từ khái quát tới cụ thể, bạn có thể chia mục tiêu theo band điểm, hoặc chia theo khối kiến thức chung.
Ví dụ:
- Thang điểm 1 – 4: Bạn cần biết được những khối kiến chung (kiến thức xã hội) cơ bản, suy luận đơn giản để có thể đạt được mức điểm này. Tức là ngay cả khi không hoc trong sách giáo khoa, bạn vẫn có thể suy ra được đáp án chính xác của câu hỏi.
VD: Câu 10 (2022): Quốc gia nào sau đây mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người?
A. Ai Cập B. Libi C. Cuba D. Liên Xô
Khối kiến thức chung ở đây mà mình muốn đề cập tới là nhà du hành người Nga – Yuri Gagarin – người đầu tiên bay vào vũ trụ, nên ta có thể suy ra ngay D là đáp án đúng.
- Thang 5 – 8: Nắm được khối kiến thức về mặt sự kiện theo thời gian, từ khái quát cho tới cụ thể. Giả như vào thời điểm từ 1930 – 1945 xảy ra những sự kiện nổi bật gì, trong khoảng thời gian đó thì năm 1931 xảy ra những sự kiện gì, như thế nào, ở đâu, quy mô ra sao, lực lượng gồm những ai, mục tiêu của ta là gì, nguyên nhân chủ quan, khách quan, tất yếu của sự việc,…
VD: Câu 34 (2022): Nội dung nào sau đây phản ánh đúng một trong những thành quả của phong trào cách mạng 1930 – 1931 ở Việt Nam?
A. Hoàn thành cải cách ruộng đất tại các vùng do xô viết kiểm soát
B. Xây dựng được mặt trận dân tộc trên nền tảng liên minh công – nông
C. Hai giai cấp chủ lực của cách mạng đoàn kết trưởng thành trong chiến đấu
D. Xây dựng được lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ba thứ quân.
Như vậy, đối với loại câu hỏi ở thang điểm này, bạn cần nắm được thông tin cơ bản về phong trào cách mạng năm 1930 – 1931, và khối kiến thức này thì chắc chắn có trong sách giáo khoa và chắc chắn sẽ được giáo viên giảng.
- Thang 9 – 10: Ở mức điểm này, bạn không những cần có một độ chắc chắn nhất định về kiến thức, mà có cần một chút khả năng tư duy và suy luận, bởi những câu hỏi này luôn nằm ở mức vận dụng cao, và thường có bẫy.
Theo quan điểm cá nhân của mình, thì học giỏi ngoài nhờ thiên phú, thì còn nhờ cả tình yêu đối với môn học đó nữa, nhất là một môn được cho là “khô khan” như Lịch Sử. Lấy một ví dụ thực tế hơn trong cuộc sống, bắt một người sợ sâu ra vườn rau thì chẳng khác nào một cực hình cả. Nhưng nếu họ có sự yêu thích đối với việc trồng trọt, với cây quả rau xanh, thì mọi chuyện sẽ theo một hướng khác. Thế nên là, thay vì ép mình học thuộc từng con chữ, từng mốc thời gian, bạn có thể coi sách giáo khoa như một cuốn truyện, và bạn chính là người kể, kể cho chính mình nghe, và nghe bằng chính lòng mình. Nhắm mắt lại, và tưởng tượng chính mình đang ở trong bối cảnh lịch sử những năm ấy. Nếu quá khó để có thể cảm nhận, bạn có thể bắt đầu bằng một cuốn tiểu thuyết cách mạng như Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, hay bằng một bộ phim tài liệu như Mùi Cỏ Cháy.
Kỹ thuật khoanh trắc nghiệm Lịch Sử trong bài thi
Ở đây không có mẹo khoanh bừa hay xác suất gì cả, về mặt căn bản là vẫn cần nắm chắc được khối kiến thức cơ bản. Tuy nhiên thì chỉ mỗi thế là chưa đủ, vì để phân loại học sinh, sự phân hóa thang điểm của đề thi sẽ yêu cầu ở bạn nhiều hơn nữa.
- Đọc hiểu và phân tích câu hỏi
Hồi xưa lúc đi học thì cô giáo Sử của mình lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại là phải đọc đề thật kỹ, phải tìm ra được cái mà người ta muốn hỏi. Gạch chân được những từ khóa chính trong câu hỏi, và trong đầu phải bắt đầu rà soát một lượt.
Ví dụ: Câu 22 (2022): Hội nghị Ianta (tháng 2 – 1945) đã quyết định vấn đề nào sau đây?
A. Thành lập Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)
B. Thành lập Ngân hàng Thế giới (WB)
C. Thành lập Liên minh Châu Âu (EU)
D. Tiêu diệt tận gốc quân phiệt Nhật Bản
Vậy hướng đi chúng mình có thể vẽ ra sau khi đọc câu hỏi trên là quyết định của Hội nghị Ianta. Hội nghị Ianta được diễn ra trong bối cảnh trật tự thế giới đang được thiết lập lại. Năm 1945 là thời gian chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, và để thiết lập lại nền hòa bình thế giới, kẻ đầu sỏ (Đức) và đồng minh của chúng (Nhật) cần phải bị tiêu diệt.
- Kỹ thuật loại trừ
Cũng cùng là ví dụ trên, nếu như không nhớ chắc chắn được đâu là quyết định của Hội nghị Ianta, bạn có thể sử dụng phương pháp loại trừ, với điều kiện kiến thức của bạn đủ khả năng giúp bạn làm điều đó.
Loại trừ: Liên minh Châu Âu (1993), Ngân hàng thế giới (1944)
Còn lại hai đáp án là Quỹ tiền tệ quốc tế 1945 và tiêu diệt tận gốc quân phiệt Nhật Bản, tiếp tục loại trừ Thành lập quỹ tiền tệ quốc tế, vì dù cùng là mốc 1945, nhưng nó được thành lập vào tháng 12, trong khi hội nghị diễn ra vào tháng 2. Nếu không nhớ cụ thể mốc thời gian của quỹ tiền tệ quốc tế, bạn cũng có thể loại nó vì nó liên quan nhiều hơn đến mục đích kinh tế, thương mại, thay vì quân sự trong bối cảnh một cuộc chiến tranh đang trên đà kết thúc.
Vậy là trong số ngày hôm nay, VnEdu Tra cứu điểm đã chia sẻ cho các bạn bí kíp làm chủ môn Lịch sử của mình, nhưng không có trong vòng một nốt nhạc đâu nhé! Mọi sự thành công đều cần quá trình. Chúc các bạn học tập tốt!