Rõ ràng, đây là câu chuyện chẳng của riêng ai. Thời học sinh, chắc hẳn ai cũng từng một lần trải qua cảm giác này, nếu không muốn nói là nhiều lần. Nguyên nhân thì có rất nhiều, xuất phát cả từ mặt chủ quan và khách quan, từ phía giáo viên giảng dạy và từ cả chính chúng mình. Vậy, cùng lật ngược lại vấn đề một chút, vì sao chúng mình cần tham gia phát biểu?
Câu chuyện của mình – mình ngại phát biểu
Mình từng rơi vào trường hợp này, hầu như suốt cả thời học sinh của mình. Những tiết học kéo dài lê thê chìm trong sự im lặng, thỉnh thoảng chen vào là tiếng kêu gọi học sinh phát biểu đầy bất lực của thầy cô. Nguyên nhân lớn nhất đối với mình là do tâm lý ngại phát biểu, và mình sợ mình nói bị sai, nói hớ, nói lắp, sợ rằng mọi người cười, sợ thầy cô mắng, tóm lại là sợ bị “quê”. Thỉnh thoảng thì cũng do mình lơ là, người trong lớp nhưng hồn đang treo ở tập 16 trong bộ phim Hàn Quốc mình xem tối qua, nên đến lúc câu hỏi được đặt ra, mình bị ú ớ, thậm chí còn phải quay sang đứa bên cạnh hỏi xem thầy cô vừa hỏi cái gì. Môn không giỏi thì mình không phát biểu, môn mình học được mà phát biểu thì sợ người ta kêu “sao mà hay ra zẻ quá!”…
Rất nhiều lí do. Cảm giác như biện minh là một bản năng vượt trội nhất của con người, vì vấn đề gì người ta cũng có cả ngàn lý do để nói.
Đến khi mình vào năm nhất đại học, mình thay đổi hoàn toàn. Năm ấy, dịch vẫn còn hoành hành. Những buổi học đầu tiên được tiến hành qua màn ảnh nhỏ, dưới cái độ phủ đầy quyền lực của ứng dụng Zoom. Kiểu nó là một môi trường hoàn toàn mới đối với mình, kiến thức mới, bạn bè mới, thầy cô mới, tư duy mới. Từ một cái ý nghĩ là phát biểu sai sợ mọi người cười, mình lại nghĩ là :”thôi kệ đi, lớp đông thế này đếch đứa nào biết mình là ai đâu. Cười thì cười, chứ mình không theo được bài là mình toang!”
Cái suy nghĩ này làm thay đổi “địa vị” của mình trong lớp. Từ một đứa ất ơ vô danh chả ai biết là ai, các bạn, và kể cả là thầy cô, dần nhớ nguyên cả cái tên cúng cơm của mình, thậm chí gán cho mình cái mác “tứ hoàng”. Kiểu mình xuất hiện trên mọi mặt trận, thầy cô vừa đưa ra yêu cầu một cái là ấn giơ tay phát biểu. Và mình phát biểu nhiều đến nỗi thay vì gọi mình trả lời, thầy cô bảo là: “ngoài những bạn này ra không còn ai khác à?”
Mình được gì?
Đầu tiên phải kể đến là cảm giác chiến thắng, chiến thắng chính bản thân mình. Cảm giác sau mỗi lần như thế mình sẽ tự tin hơn, và mình học được nhiều cái hơn. Mình nghĩ là nếu cứ trốn mãi đằng sau cái chữ ngại, thì mình sẽ không bao giờ biết được đúng sai chỗ nào, không bao giờ biết được giới hạn của mình đến đâu.
Tất nhiên thì phát biểu chỉ là một việc nhỏ, chỉ là một yếu tố khi chúng mình còn ngồi trên ghế nhà trường, và không phải là đích đến cuối cùng. Nhưng, nhìn lại vấn đề một cách bao quát, việc phát biểu cho chúng mình được nhiều hơn là mất, và được, là được những thứ lâu dài.
Sự tự tin, hay nói một cách thô nhưng thật, là mặt dày thêm một tấc, bởi sau này khi ngồi trên ghế giảng đường hay đi làm, sẽ không đơn giản chỉ là phát biểu ý kiến cho cả lớp nghe nữa, mà còn là những bài thuyết trình, diễn thuyết với tầm cỡ và quy mô lớn hơn.
Cách nhìn nhận và giải quyết một vấn đề.
Biết cách buông bỏ cái tôi để học được nhiều hơn một thứ.
Học được cách giữ tập trung
…
Tất nhiên là một bài này thì không thể kể hết, và dù có bao nhiêu lời đi nữa thì cũng không hiệu quả bằng chính việc các bạn tự trải nghiệm. Vậy thì sau hôm nay, dù có là bất cứ lý do gì đi chăng nữa, hãy cũng thử một lần đóng góp vào sự sôi động của lớp học nhé. Chắc chắn sự đóng góp này sẽ làm cho thiện cảm tăng lên trong mắt thầy cô rất nhiều đấy!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Chúc các bạn học tập tốt, và đừng quên theo dõi những số sau tại VnEdu Tra cứu điểm nhé!