Trong suốt quá trình học tập và sự nghiệp của mình, chắc hẳn bạn sẽ được ít nhất một lần cần tham gia vào dự án thuyết trình về một vấn đề gì đó. Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau để trình bày, nhưng có một số kỹ năng đơn giản mà bạn có thể học để nâng cao sự tự tin và thu hút khán giả. Nhiều người dành toàn bộ sự nghiệp của họ để phát triển kỹ năng thuyết trình, hãy cùng VnEdu Tra cứu điểm xem qua số lưu ý dưới đây để có được bài thuyết trình ấn tượng nhất nhé!
1. Hãy cẩn trọng với khâu chuẩn bị
Để có một bài thuyết trình tốt, bạn cần nghiên cứu và chuẩn bi thật tốt, về cả mặt nội dung và hình thức. Xác định xem bạn sẽ nói về vấn đề gì, người nghe cần nghe những thông tin gì từ bạn, thông tin nào là cần thiết và thông tin nào có thể xem xét bỏ qua. Sau khi lên dàn ý xong, bạn cần nắm được các ý chính và bắt đầu tập triển khai các ý đó một cách thẳng thắn, rõ ràng và rành mạch.
Lưu ý, bạn không nên viết sẵn thoại ra và học thuộc, vì trong trường hợp xấu khi mà bạn lỡ quên mất, bạn sẽ trở nên lúng túng và khiến cho bầu không khí trở nên khó xử. Hơn nữa, việc học thuộc thoại thường làm phần thuyết trình của bạn trở nên cứng nhắc, giống như bạn đang lên lớp và trả bài cũ vậy, rất thiếu sức hút và tính thuyết phục.
Bạn có thể cân nhắc nguyên tắc 10 – 20 – 30 để bài thuyết trình của bạn đạt hiệu quả cao hơn, cụ thể, phần thuyết trình của bạn nên có tối đa 10 trang trình chiếu, thời gian diễn thuyết tối đa là 20 phút, và cỡ chữ tối thiểu trên trang chiếu là 30.
2. Rèn luyện sự tự tin
Sự tự tin đóng vài trò cực kỳ quan trọng đối với một bài thuyết trình. Nếu chính bản thân bạn còn không tin vào những điều mà mình muốn nói và sẽ nói, làm sao để người khác có thể tin vào điều đó? Nếu trước đó bạn cảm thấy lo lắng, hãy hít thở thật sâu, đặt hai chân rộng bằng vai, nắm tay chống hông, cằm ngẩng cao và nở một nụ cười nhẹ nhàng. Hãy tưởng tượng rằng, bạn đang vào vai một người kể chuyện, và trước mắt bạn chỉ là những đứa trẻ hiếu kỳ.
3. Tận dụng ngôn ngữ cơ thể hỗ trợ bài thuyết trình
Thay vì đứng hay ngồi yên một chỗ, hãy thử:
- Di chuyển chậm rãi xung quanh sân khấu/ bục giảng, giao tiếp với khán giả bằng ánh mắt làm tăng tính tương tác và sự tập trung của người nghe.
- Sử dụng cử chỉ và nét mặt để hỗ trợ những khoảnh khắc khi bạn đang thuyết trình về một khái niệm hoặc thể hiện sự hào hứng về một chủ đề.