Trong cấu trúc đề thi Tiếng Anh của kỳ thi THPTQG, phần đọc hiểu đang dần trở thành cơn ác mộng đối với nhiều bạn học sinh, cũng là phần thi nhằm phân loại thí sinh. Ba bài đọc được phân cấp ở những độ khó khác nhau bao quát từ thông hiểu đến vận dụng, vận dụng cao. Vậy nên ôn tập như thế nào để có thể đạt được mức điểm cao nhất trong phần thi khó nhằn này?
Kỹ năng làm bài đọc hiểu Tiếng Anh
Bước 1: Đọc câu hỏi và gạch từ khóa.
Trước khi đọc bài, bạn nên đọc câu hỏi trước để có thể khoanh vùng và hình dung đại khái được thông tin mình cần nhặt ra từ bài đọc và cách mà mình lấy được loại thông tin đó.
Lấy ví dụ cụ thể bằng câu hỏi như sau: “What is the main idea of the topic?”
Từ khóa bạn cần trọng tâm ở đây là main idea, tức là bạn được yêu cầu tìm ra ý chính của đoạn văn, xuyên suốt đoạn văn đang muốn truyền tải tới thông điệp gì. Lúc xác định được từ khóa chính của câu hỏi rồi, thì việc tiếp theo là lựa chọn phương pháp để lấy được thông tin từ đoạn văn cho câu hỏi đó. Đối với câu hỏi về main idea như trong ví dụ trên, bạn cần nắm được ý chính của các đoạn nhỏ rồi xâu chuỗi lại để có thể suy ra được ý lớn trong đoạn văn.

Bước 2: Skimming và Scanning – Đọc lướt và đọc soát
Chắc hẳn đây là hai cụm từ đã không còn quá lạ lẫm hiện nay, bởi nó không chỉ được ứng dụng để làm bài đọc tiếng Anh, mà còn được sử dụng rộng rãi để thu thập thông tin từ sách báo.
Skimming – Đọc lướt, là kỹ năng mà bạn có thể vận dụng linh hoạt để xác định được ý chính của đoạn lớn và các đoạn nhỏ. Trước khi đi sâu vào chi tiết, hãy đọc tiêu đề của đoạn văn, câu chủ đề của cả đoạn (thường ở đầu câu hoặc cuối câu), câu đầu tiên của những đoạn nhỏ.
Scanning – Đọc soát, là kỹ năng mà bạn có thể vận dụng để khoanh vùng chính xác những thông tin cần thiết, tập trung cho câu hỏi ai, cái gì, ở đâu, khi nào, cách nào, các từ khóa chính, tên riêng, số liệu,…
Bước 3: Chọn đáp án đúng bằng phương pháp loại trừ.
Bỏ qua những câu hỏi ra thẳng đáp án đúng, thỉnh thoảng sẽ có câu “hỏi khéo”, gây cản trở cho bạn trong việc làm rõ thông tin. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng phương pháp loại trừ, bằng cách gạch đi những đáp án chắc chắn sai.
Chuẩn bị những bước đệm cho bài thi này như thế nào?
Bước đệm này là cả một quá trình, không phải thứ có thể đạt được trong ngày một ngày hai. Phần thi đọc hiểu yêu cầu mức độ hiểu biết một vốn từ vựng rất lớn, thêm vào đó là kỹ năng xử lý thông tin, vì vậy cần hết sức tỉnh táo trong phần thi này. Hãy trang bị cho mình một vốn từ vựng thật tốt, và thật sự hiểu gốc rễ ngọn ngành của nó. Ngoài những từ mà bạn học được trong chính bài đọc trong đề ôn luyện, bạn có thể tham khảo thêm trong sách báo, tài liệu, hoặc học từ vựng theo chủ đề.

Làm rõ các loại từ, làm rõ được chức năng của từ trong câu để biết được chính xác ý mà tác giả muốn truyền tải. Số lượng thì không so được với chất lượng, nên đừng qua loa trong việc học từ vựng. Khi học được một từ mới, bạn nên đặt nó vào bối cảnh cụ thể, học thêm về từ loại và gia đình từ của chúng.
Tiếng Anh đang ngày càng trở nên quan trọng và phổ biến hơn trong cuộc sống và xã hội hiện nay, bởi sự khởi đầu của thời kỳ hội nhập, và nó được sử dụng như một ngôn ngữ toàn cầu của cả thế giới. Không chỉ trong công việc, cuộc sống hàng ngày, Tiếng Anh trên trường lớp cũng được coi là môn học trọng tâm. Đối với những bạn dùng môn thi này cho việc xét tuyển vào đại học, việc kiểm soát được các đầu điểm và tình hình học tập của bản thân là vô cùng quan trọng. Với VnEdu Tra cứu điểm – người giám sát trực tuyến – bạn có thể dễ dàng biết được tình trạng học tập của bản thân như thế nào.

Chúc các bạn học tập tốt!