Duolingo là gì?
Mình cá đây không phải là một cái tên xa lạ. Kể cả là người không có nhu cầu học ngoại ngữ chắc hẳn cũng đã từng kinh qua một lần rồi, chứ đừng nói tới những kẻ kiếm tìm đủ cách để trở nên thành thạo một ngôn ngữ. Nói một cách ngắn gọn, Duolingo là một ứng dụng học ngoại ngữ trực tuyến. Số lượng ngôn ngữ mà ứng dụng này lập trình cho người học lên tới con số 40, và tổng lượt tải về tính đến nay đã là hơn 100 triệu lượt. Duolingo cũng là một trong số ít những ứng dụng được lọt top bảng xếp hạng những ứng dụng được ưa chuộng nhất trên CH Play.
Tải “cú xanh” cho Android: tại đây
Tải “cú xanh” cho OS: tại đây
- Ưu điểm
– Đa dạng ngôn ngữ, cho phép người dùng học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc.
– Các bài học được thiết kế sinh động, thú vị với thời lượng vừa phải, kết hợp linh hoạt được việc học bài mới với ôn lại bài cũ.
– Chương trình “trả phí không bắt buộc”, tức là song song cùng bản miễn phí, Duolingo vẫn đưa ra một bản cấp khác với mức phí nhất định và các ưu đãi đi kèm (ví dụ như không giới hạn số lượt học, không có quảng cáo,…). Nhưng ngay cả khi bạn không mua bản nâng cấp, bạn vẫn có thể theo được bản miễn phí như thường.
– Chế độ thi đua, thưởng phạt rõ ràng: Trong Duo có một tính năng gọi là Streak và Bảng xếp hạng. Việc bạn duy trì việc học trên Duolingo sẽ nhận được phần thưởng (giá trị ảo) và nếu bạn bỏ lỡ mất một ngày, bạn sẽ phải bắt đầu lại từ ngày đầu, hoặc dùng kim cương (giá trị ảo) để bù lại ngày bị lỡ đó và giữ nguyên streak. Việc này sẽ giúp bạn hình thành được thói quen học ngoại ngữ hàng ngày. Tương tự như vậy, trải qua mỗi bài học, bạn sẽ nhận được số EXP nhất định tùy theo mức độ câu trả lời đúng trong bài học đó, và được càng nhiều EXP, bạn càng dễ “leo top”.
- Nhược điểm
– Quá nhiều quảng cáo trong bản miễn phí, hầu như tần suất là một quảng cáo sau mỗi bài học.
– Giới hạn ở trình độ cơ bản.
– Sự khuôn mẫu ngôn ngữ.
Vì sao Duolingo bị coi là một nỗi ám ảnh?
Nhắc đến chuyện này, có lẽ người ta đều rùng mình khi nghĩ tới khả năng xéo sắc đến kinh hoàng và khả năng dám làm những điều không ai nghĩ tới của con cú xanh này. Bạn nghĩ nó sẽ gửi thông báo đến điện thoại nếu bạn lỡ lười học vài ngày ư? Đúng rồi đấy, nhưng thông báo mà Duolingo gửi thì đúng phải gọi là “độc lạ loài cú”, đọc xong mà thấy cú thật mới đau chứ.
Không chỉ dừng lại ở việc gửi mail, Duo thậm chí còn chơi lớn tới mức chiếu cả thông báo trên một tòa nhà. Đúng là chỉ cần đạt được mục đích đưa người dùng trở về với thói quen học tập của mình, không gì là nó không làm được.
Nên sử dụng ứng dụng này để học ngoại ngữ hay không?
Nên, nếu như:
- Bạn bắt đầu với một ngoại ngữ mới ở trình độ cơ bản, kể cả là tiếng Anh hay những ngoại ngữ khác. Duolingo khó có thể đáp ứng được ở trình độ nâng cao hơn và chuyên môn hơn.
- Bạn bị yếu phần từ vựng. Các từ mới được lặp đi lặp lại ở một tần số cao trong các bài học từ cũ lẫn mới, trải rộng ở cả bốn kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, giúp từ vựng mới dễ dàng được ghim sâu vào não bộ.
- Tốc độ phản ứng của bạn với ngôn ngữ chưa linh hoạt.
Và ngược lại, không nên dùng Duolingo để học ngoại ngữ, nếu như:
- Trình độ ngoại ngữ của bạn đang ở tầm trung đổ lên. Giai đoạn này thì các bạn nên dành thời gian tự học trong sách vở, thực tế, hoặc trong môi trường học thuật hơn là một ứng dụng được thiết kế và lập trình sẵn.
Trong bài review lần này, VnEdu Tra cứu điểm đã phân tích ứng dụng tự học ngoại ngữ Duolingo qua trải nghiệm cá nhân, dưới cả góc nhìn khách quan và chủ quan. Chúc các bạn học tập tốt, và tìm ra được phương pháp học ngoại ngữ phù hợp với bản thân mình!