Rõ ràng, chúng ta đều biết câu trả lời. Không những khó, mà còn là rất khó. Để có thể tự tin và thoải mái giao tiếp bằng một thứ ngoại ngữ khác với ngôn ngữ chính chúng ta dùng hàng ngày, chắc chắn là điều không thể đạt được trong ngày một, ngày hai. Nó đòi hỏi một cả một quá trình kiên nhẫn và bền bỉ, đòi hỏi sự chuẩn bị về cả tâm thế và kiến thức. Tại sao à? Cùng VnEdu Tra cứu điểm đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Tiếng Anh giao tiếp vs Tiếng Anh học thuật
Tiếng Anh giao tiếp và Tiếng Anh học thuật đơn giản khác nhau ở cái cách mà mọi người sử dụng. Tiếng Anh học thuật đòi hỏi chúng mình một lượng từ vựng siêu siêu nhiều, vừa mang tính đa dạng, lại cả tính chuyên sâu. Không những thế còn phải sử dụng từ vựng đúng nghĩa, đúng ngữ cảnh, đúng vị trí về mặt ngữ pháp trong câu. Thậm chí, còn phải đúng đến từng dấu chấm, dấu phẩy,…
Hơi khác một chút, Tiếng Anh giao tiếp có sự thoải mái hơn trong cách dùng. Có thể não bộ sẽ không kịp load được vụ “chia động từ” ngay tập tức, nên thỉnh thoảng có thể bạn sẽ sai chỗ này chỗ kia, chia sai ngôi dùng sai thì,… nhưng nó sẽ không phải vấn đề quá lớn, nếu người đối diện vẫn hiểu bạn đang muốn nói gì.
Dù vậy, Tiếng Anh giao tiếp vẫn không được đánh giá là dễ. Mỗi một ngôn ngữ đều có những cái hay, cái dễ và cái khó riêng. Có mục đích sử dụng riêng, và phương pháp tiếp cận riêng. Vậy đối với Tiếng Anh giao tiếp, chúng mình có thể tiếp cận nó như thế nào?
1. Trang bị những từ vựng cơ bản
Như thế nào là cơ bản? Là những từ vựng dùng trong đối thoại, giao tiếp hàng. Bạn ăn cơm chưa, bạn có khỏe không, gia đình bạn thế nào, kì nghỉ vừa rồi bạn làm gì, bạn đến Việt Nam bao lâu rồi,… Đối với nhóm từ này thường được xếp ở mức sơ cấp, trình độ A1 – A2 theo khung chuẩn châu Âu, dễ học và dễ sử dụng. Ngoài việc tiếp cận nhóm từ vựng này theo cách truyền thống, đó là học từ rồi nhớ nghĩa, bạn có thể thay đổi hình thức học sinh động hơn để mức độ tiếp thu đạt hiệu quả cao hơn bằng cách xem.
Xem gì nhỉ?
- Study Phim: trang web giúp bạn đưa những con chữ vào trí nhớ của bạn bằng việc cung cấp những thước phim với phụ đề song ngữ, đa dạng mọi thể loại từ hành động tới lãng mạn, từ tâm lý tới khoa học viễn tưởng
- Phóng sự đường phố: Truy cập ngay nền tảng chia sẻ thông tin dưới dạng video lớn nhất thế giới – Youtube – và tìm kiếm với cụm từ khóa “phỏng vấn người nước ngoài”. Đây thường là những video ngắn được thực hiện bởi các bạn trẻ đối với những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc hoặc đến du lịch tại Việt Nam. Sự kết hợp giữa việc nghe tiếng Anh và đọc phụ đề tiếng Việt giúp bạn tiếp thu từ mới nhanh hơn và nhớ lâu hơn.
2. Học đi đôi với hành
Đừng chỉ mang những từ mới vào đầu rồi để chúng ngủ yên giấc trong đó. Mọi thứ chỉ có giá trị khi chúng được trao đi, bởi suy cho cùng, mục đích của tiếng Anh giao tiếp chính là để giao tiếp.
Nói thì dễ, nhưng vấn đề lớn nhất ở đây chính là trở ngại về mặt tâm lý. Đứng trước một việc gì đấy mà mình không giỏi, hoặc mình chưa làm bao giờ, chúng mình thường đối mặt với cảm giác “ngại” và “sợ”. Sợ rằng mình nói không tốt, nói sai, nói không thành câu, nói mãi người ta chẳng hiểu, sợ người ta cười chê,…
Lật ngược vấn đề một chút, hãy thử tưởng tượng một người nước ngoài đến bắt chuyện với bạn bằng tiếng Việt. Tất nhiên, họ nói không sõi, không tròn vành rõ chữ, có thể chúng ta không hiểu họ muốn nói gì. Lấy bối cảnh cụ thể hơn, trong chương trình 2 Ngày 1 Đêm số đặc biệt, với sự tham gia của ba vị khách mời là Phúc Mập, Will, và Jong Rak từ Mỹ, Pháp và Hàn Quốc. Họ có thể nói tiếng Việt, nhưng không nói quá giỏi, cũng không hiểu hết được những “miếng hài” trong chương trình. Vậy bạn có cười chê họ không? Bạn có xem thường họ không? Hay bạn có nghĩ là sao cái đứa ni nói tiếng Việt kém quá trời kém? Không, mình biết là bạn sẽ cố gắng để hiểu người ta, giúp người ta chỉnh lại những từ dùng bị sai nghĩa. Bởi họ đến và nói được tiếng của mình đã là quý lắm rồi, huống hồ chi đó không phải tiếng mẹ đẻ của họ.
Chúng mình cũng thế. Trong mắt những người ngoại quốc khác, chúng mình cũng được đóng vai làm “người nước ngoài”, và tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ của chúng mình, nên cái việc tự nhiên mà giỏi, mà nói sõi được là không có. Phải học, phải nói, nói càng nhiều càng tốt, nói nhiều rồi sẽ thành quen, nói sai rồi sẽ có người sửa, được sửa rồi mới nói đúng, rồi dần dần mới có thể sử dụng tiếng Anh một cách linh hoạt.
Nói ở đâu?
- Omegle: Một trang web trực tuyến cho phép bạn kết nối với mọi người trên khắp thế giới, qua hình thức trò chuyện video. Trên trang mạng xã hội Tiktok, bạn cũng có thể sẽ thấy kha khá video với kiểu content này, ví dụ như hannahvananh, colacola.here, aominedld…
- Tandem/ Hello Talk: Tương tự như Omegle, hai ứng dụng này cũng cho phép bạn có thể tự do trò chuyện với mọi người đến từ những đất nước khác nhau, cách thức hoạt động tương tự như Facebook, Messenger.
Nói chung, chẳng có gì là dễ dàng đạt được cả. Nhưng mà chẳng phải chúng ta vẫn thường được dạy rằng, thắng không kiêu bại không nản hay sao? Chỉ cần bạn kiên trì và không ngừng nỗ lực, chắc chắn bạn có thể chạm tới đích đến mà bạn mong muốn.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, và chúc chúng mình cùng học tập thật tốt!